Gabriel Batistuta: “Vua Sư tử” khiến cả thế giới nao lòng vì sự chung thủy

Nếu Gabriel Batistuta không yêu Fiorentina đến vậy, có lẽ huyền thoại người Argentina đã sánh ngang với Diego Maradona hay Lionel Messi.

Gabriel Omar Batistuta sinh ngày 1/2/1969 tại thị trấn Avellaneda thuộc tỉnh Santa Fe nhưng sau này anh cùng gia đình chuyển đến ngoại ô thành phố Reconquista. Sinh ra trong một gia đình bình thường có bố làm việc ở lò mổ còn mẹ là một thư ký, cho nên Gabriel Batistuta cũng chưa từng được kỳ vọng về khả năng thể thao. Thuở còn là một đứa trẻ, Batigol (biệt danh trong bóng đá sau này của anh) đã chọn môn bóng rổ để luyện tập bởi vì gia đình muốn anh cải thiện vóc dáng nhỏ bé của mình.

Năm 1978, ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh được tổ chức trên chính quê nhà Argentina và khi ấy “Albicelestes” đã đánh bại tất cả để lên ngôi vô địch. Gabriel Batistuta, một cậu nhóc 9 tuổi, vì quá hâm mộ Mario Kempes nên đã quyết định theo đuổi ước mơ đá bóng chuyên nghiệp. Sau khi gia nhập câu lạc bộ địa phương Platense và giành chiến thắng giải vô địch cấp tỉnh trước Newell’s Old Boys, Gabriel Batistua đã lọt vào mắt xanh của huấn luyện viên Marcelo Bielsa.

Chuyến phiêu lưu đầu đời buộc cậu thiếu niên phải xa gia đình, bạn bè và cô bạn gái Irina để ngủ trong một căn phòng chật hẹp ngay tại sân vận động. Cuối năm 1988, ‘Batigol’ được đem cho Deportivo Italino mượn trước khi trở thành vua phá lưới giải đấu trong khuôn khổ cúp Carnevale. Dưới sự dìu dắt của ông thầy Bielsa, Gabriel Batistua trải qua một cuộc lột xác ngoạn mục về thể hình, thể lực; lối chơi của ‘Batigol’ trở nên mạnh mẽ, quyết liệthơn và đó cũng chính là nguồn cơn của cái tên “Vua Sư tử”.

Hè năm 1989, Batistuta gia nhập Riverplate – một trong hai đại gia của giải vô địch Argentina bên cạnh Boca Juniors, trở thành chân sút chủ lục của câu lạc bộ với 17 bàn thắng trong mùa giải đầu tiên. Khi Daniel Passarella đến, Batistuta bị buộc phải ra đi cùng với những lời nói đầy sáo rỗng của vị tân huấn luyện viên: “Rồi cậu ấy sẽ tìm được đội bóng thích hợp!”.Batigol tiếp tục cuộc hành trình của mình khi quyết định thi đấu cho đại kình địch của Riverplate và tại Boca Juniors, Oscar Tabarez đã giúp anh khai phá bản năng ‘sư tử’ bên trong mình.

Kết thúc mùa giải 1990/91, Gabriel Batistuta là vua phá lưới của giải đấu và Boca Juniors giành chức vô địch Clausura. Sau thời gian đầu chật vật tại CLB mới bởi không thể tìm được vị trí thi đấu phù hợp, Batigol bỗng như được trở thành chính mình khi Tabarez đặt anh vào vị trí trung phong. Sự mạnh mẽ, tốc độ, khả năng đánh hơi bàn thắng cực kỳ nhạy bén đã giúp “Vua Sư tử” hoàn thành chuyến đi săn đầu tiên trong sự nghiệp của mình trước khi chuyển sang một trang mới tại trời Âu bên kia bờ Đại Tây Dương.

Batistuta gia nhập đội bóng thành Florence sau khi tạo được ấn tượng mạnh mẽ ở Copa America 1991, Argentina đoạt ngôi vô địch còn anh trở thành vua phá lưới. Mùa giải đầu tiên anh làm quen giải đấu khắc nghiệt nhất hành tinh bằng 13 bàn thắng. Mùa 1992-1993, AC Milan vô địch với 50 điểm. Tay săn bàn số một của đội này khi đó là Marco Van Basten, với 13 lần sút tung lưới đối phương.

Batistuta ghi được 16 bàn thắng, nhưng 16 cũng là thứ hạng của Fiorentina trên bảng tổng sắp. Đội bóng áo tim rớt xuống Serie B và chỉ có điều thần kì mới giúp họ giữ chân những ngôi sao trụ cột. Rốt cục thì chỉ mình Brian Laudrup chuyển đến nhà vô địch AC Milan, Batistuta ở lại sát cánh cùng cầu thủ cá tính từ Đức Stefen Effenberg với sứ mệnh đưa Fiorentina lên hạng.

Rồi anh trở lại Serie A, ngay lập tức giành luôn danh hiệu Vua phá lưới mùa giải 1994-1995, giống như một sự trêu chọc đối với giải đấu mùa vừa qua vắng anh. 26 bàn của Batigol chiếm gần một nửa số bàn thắng của Fiorentina, nhưng đội bóng chỉ xếp thứ 10.Sức hút từ Batistuta lan toả khắp châu Âu. Hai đội bóng thành Milan, Rome, Manchester Utd, Barcelona,…đều muốn có sự phục vụ của anh.
“Tôi thích có một danh hiệu với Fiorentina hơn là mười danh hiệu với đội bóng như Manchester Utd. Tôi không bao giờ thích cảm giác trở thành cầu thủ ngôi sao, bởi ngay khi bạn trở thành tâm điểm của đội bóng, bạn sẽ có thêm gánh nặng từ trách nhiệm. Tôi đã nhận rất nhiều lời mời chào từ những đội bóng như Real Madrid hay Man Utd, nhưng tôi thích sự yên bình khi chơi cho Fiorentina. Nếu tôi tới Madrid, tôi có thể đã ghi hơn 200 bàn. Nhưng tôi biết mình sẽ trở nên chán chường”.

Batigol chỉ có đúng một danh hiệu trong màu áo tím. Đó là chức vô địch Copa Italia 1995-1996. Ở Serie A, Fiorentina có thể nói là kẻ ngoài cuộc. Họ tạo ra chút ít dấu ấn ở mùa giải 1999-2000, dẫn đầu gần hết lượt đi nhưng hụt hơi ở lượt về, tụt xuống tận hạng bảy chung cuộc.

Ở Batigol có thể lực sung mãn, có cú sút mạnh như quả đạn pháo, có khả năng ghi bàn ở mọi góc độ, có những quyết định gây ngỡ ngàng với thủ môn, đặc biệt các fan của Arsenal không bao giờ quên nổi cú sút găm cháy lưới ở một góc cực hẹp mà anh từng sút vào lưới David Seaman 13 năm về trước, cú sút ấy không chỉ thể hiện bản lĩnh, mà còn thể hiện rõ cái chất siêu phàm của một tiền đạo.

Những cú dứt điểm quyết đoán, dù gần hay xa, dù đơn giản hay kĩ thuật, tất cả đều toát lên sự mạnh mẽ, quyết liệt nhưng không thiếu tinh tế. Anh có thể đè bẹp hậu vệ đối phương, xoay sở trong vòng vây của nhiều người rồi tung ra cú dứt điểm sấm sét không cho thủ môn một cơ hội nào để chống đỡ.

Trong hầu hết thời gian thi đấu cho Fiorentina, Batistuta và đồng đội ở thế yếu. Không ai ở thành Florence trách móc anh. Họ đều hiểu đã nợ anh quá nhiều. ở châu Âu dường như chỉ có cái tên Gabriel Batistua là có thể sánh ngang cùng Ronaldo de Lima khi “Vua Sư tử” ghi trên 20 bàn thắng mỗi mùa, nhưng ước mơ một lần chạm tay vào chiếc Scudetto vẫn còn quá xa vời. Từ một người hùng trẻ tuổi, Batistuta đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho họ với rất nhiều bàn thắng, mà điều quan trọng nhất, họ biết anh yêu màu áo tím dù có đến đâu đi nữa.

Ngày tạm biệt, nước mắt anh làm lạnh tê tái chảo lửa Artemio Franchi. Rất nhiều người đã khóc cùng anh, trên sân vận động và trên sóng truyền hình, người hâm mộ anh và kể cả người hâm mộ trung lập cũng đã khóc.

Anh kể cảm giác của mình khi đó: “Tôi cảm thấy thật kinh khủng khi chuyển đến AS Roma, bởi vì tôi đã không thể hoàn thành tâm nguyện Florentines. Tôi luôn xem thành phố Florence như người bạn gái. Thật khó lí giải tình yêu của mình.”

Anh yêu Fiorentina từ đáy con tim và chưa bao giừo muốn rời đi. Nhưng anh hiểu rằng CLB đang trên bờ vực phá sản và số tiền bán anh có thể vực dậy họ. Batistuta lại đền đáp khoản phí chuyển nhượng khủng khiếp dành cho một cầu thủ ngoài ba mươi của AS Roma bằng danh hiệu Scudetto ngay mùa giải đầu tiên. Ngày Batistuta trở về, trong màu áo của Roma, anh đã ghi bàn vào lưới của đội bóng cũ rồi bật khóc nức nở, và trên khán đài các cổ động viên Fiorentina cũng không kìm những giọt nước mắt. Giận là thế, nhưng không yêu làm sao được một Batigol đã cống hiến 10 năm tuổi trẻ cho đội bóng, một người đã từng chấp nhận ở lại khi câu lạc bộ xuống hạng, người đã gắn liền cuộc sống gia đình của mình với thành phố.

Trái với sự nghiệp có phần khiêm tốn ở cấp CLB – khi treo giày ở Qatar trong màu áo Al-Arabi, thành tích của Batistuta ở đội tuyển Argentina hiển hách hơn nhiều. Anh hiện là người ghi bàn số một của Argentina tại các kỳ World Cup với 10 bàn, vượt qua cả Maradona, Messi hay thần tượng Kempes. Hai hat-trick tại các kỳ World Cup 1994 và 1998 cũng giúp Batistuta trở thành người duy nhất trong lịch sử lập hat-trick tại hai kỳ World Cup khác nhau.

Batistuta cũng là thành viên của đội tuyển Argentina cuối cùng biết mùi danh hiệu. Với “Batigol” trên hàng công, Argentina vô địch liên tiếp hai kỳ Copa America 1991 và 1993, xen giữa là thành công tại Confederations Cup 1992. Kỷ lục ghi 54 bàn trong 77 trận của Batistuta cho đội tuyển quốc gia cũng tồn tại tới tận năm 2016. Dù bị mất kỷ lục, Batistuta khẳng định anh mừng vì người nắm kỷ lục là Messi. Batigol chia sẻ với đài Telefe: “Thú thực là tôi bực mình. Đó là một danh hiệu mà tôi nắm giữ. Tôi thích cảm giác đi khắp thế giới và được giới thiệu với tư cách chân sút số một của đội tuyển Argentina. Nhưng cũng may là tôi chỉ chịu xếp sau một người ngoài hành tinh”.

Thống kê – Batigol chắc không để tâm – cho thấy anh cần 78 trận để ghi được 56 bàn, tỉ lệ 0.71 bàn/trận, cao hơn rất nhiều so với Messi (0.49 bàn/trận), Maradona (0.37) và Hernan Crespo (0.56). Anh ghi đến 23 bàn ở các giải đấu lớn, 10 bàn qua 3 kì World Cup, người duy nhất lập hatrick ở 2 kì World Cup khác nhau. Các bàn thắng mang lại danh hiệu cho Argentina, đó là Copa America 1991, Confederation Cup 1992 và Copa America 1993. Những bàn thắng…không làm anh thanh thản:

“Khi tôi thi đấu, tôi không thực sự thưởng thức trận đấu nhiều lắm…nếu tôi ghi hai bàn, tôi sẽ muốn bàn thứ ba. Tôi luôn muốn nữa.”

Tài hoa là thế, nhưng bóng đá cũng đem tới nhiều bi kịch cho Batistuta. Năm 2014, Batistuta hé lộ rằng có lúc chân anh đau tới mức “đi tiểu ngay tại giường vào 4h sáng dù nhà vệ sinh chỉ cách vài bước chân”. Anh thậm chí còn từng van xin bác sĩ hãy cưa chân anh đi. Tới tháng 10/2019, danh thủ 50 tuổi một lần nữa trải qua cuộc phẫu thuật mắt cá chân. “Ngay khi giải nghệ, tôi cảm thấy như mắt cá nhân vỡ ra. Nó không thể gánh vác trọng lượng cơ thể 87 kg. Chuyển động nhẹ cũng gây cảm giác đau. Tôi gặp vấn đề tương tự Marco Van Basten, người nói ‘thế là quá đủ’ ở tuổi 28”, Batistuta nói.

Những giọt nước mắt của Batigol khi ấy vẫn còn in sâu vào tâm trí của những CĐV Serie A. Anh đã có 10 năm ở thành phố đó, đã cùng đội xuống hạng rồi quay trở lại, ba đứa con của anh chào đời tại đó. Với Batistuta, Florence đâu chỉ là một thành phố đơn thuần. CĐV tạc tượng anh, lấy tên anh để đặt cho một vì sao, họ hay đến để quà trước nhà anh, từ trứng Phục sinh cho đến dầu ăn. Có người thậm chí đã mang đến đó một… chiếc mô tô.

Thành công của Batigol ở Florence thậm chí đã khiến Diego Maradona phải gọi anh là tiền đạo hay nhất mà lịch sử bóng đá Argentina từng sản sinh. Người Argentina xưa nay vẫn yêu số 10 hơn số 9, từ Mario Kempes, Ariel Ortega, Juan Roman Riquelme, Diego Maradona, Lionel Messi. Nhưng Batistuta đã vượt qua điều đó để trở thành “số 9” được yêu mến nhất.

>> Keowin – Cập nhật kèo bóng đá mới nhất hiện nay