ĐÁNH GIÁ CÁC ĐỐI THỦ CỦA TUYỂN VIỆT NAM TẠI VÒNG LOẠI THỨ 2 WORLD CUP 2022

Vừa qua, buổi lễ bốc thăm vòng loại thứ 2 World Cup 2022 đã khép lại với những kết quả đầy bất ngờ. Đội tuyển VN sẽ nằm chung bảng G cùng UAE, Thái Lan, Indonesia và Malaysia, khiến bảng đấu này trở thành một cuộc nội chiến Đông Nam Á, hay một giải đấu AFF thu nhỏ.

Tuy với tính chất của một loạt trận mang nặng tính thời điểm và phong độ như vòng loại WC, nhưng không vì thế mà thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ mất đi quyết tâm làm nên chuyện cho chiến dịch lần này. Hãy cùng điểm qua sức mạnh, điểm yếu và những điều đặc biệt xung quanh 4 đối thủ của đội tuyển VN.

1/ UAE

UAE hiện xếp thứ 67 trên BXH của FIFA. Họ dĩ nhiên là lá thăm dễ chịu hơn hẳn những Nhật Bản, Iran, Hàn Quốc, Australia, Qatar hay Saudi trong nhóm hạt giống đầu tiên. Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và ĐT Việt Nam đã chạm trán nhau tổng cộng 6 lần trong suốt lịch sử. Đa phần ký ức của giới mộ điệu đều chỉ chọn hướng về chiến thắng 2-0 của ĐT Việt Nam cách đây 12 năm, ở vòng bảng kỳ Asian Cup lịch sử 2007. Trước đó, chúng ta chia điểm trong trận hòa không bàn thắng với đối thủ này ở ASIAD 2002.

Tuy vậy kể từ sau những kỷ niệm đẹp ở Mỹ Đình hôm ấy, đội tuyển của chúng ta lại chịu lép vế hoàn toàn trước đối thủ vùng vịnh. Họ toàn thắng 4 trận còn lại với tổng tỷ số hủy diệt 13-2.

Thành tích ấn tượng của đội tuyển UAE thời gian gần đây là hạng 3 Asian Cup 2015 và lọt đến bán kết Asian Cup 2019 vừa rồi. Còn ở giải VĐ các QG vùng Vịnh, UAE cũng đăng quang vào năm 2013, trước khi gục ngã trước Oman ở trận Chung kết năm 2017. Gần đây nhất ở đấu trường ASIAD 2018, U-23 UAE đã giành được tấm HCĐ sau khi đánh bại chính U-23 Việt Nam ở trận tranh hạng 3 trên chấm luân lưu.

Nếu có thể kể ra những cái tên đáng chú ý trong đội hình đội tuyển UAE, đó phải là Ismail Matar, người từng góp mặt trong trận thua 0-2 trước Việt Nam hồi 2007. Anh cũng là người nắm băng thủ quân ở chiến dịch Asian Cup 2019 hồi đầu năm được tổ chức trên sân nhà. Nhưng xét rộng ra, có thể thấy sự xuất hiện của Matar ở tuổi 36 là do ngôi sao sáng nhất của đội tuyển này Omar Abdulrahman dính chấn thương.

Ngoài 2 cái tên kể trên, UAE vẫn giữ được những nhân tố từng giúp đội bóng này đè bẹp Việt Nam 5-0 tại vòng loại Asian Cup 2015, mà nổi bật là Ahmed Khalil và Ali Mabkhout. Nhân tố nổi bật khác là Khalfan Mubarak. Số 10 của UAE ghi 11 bàn, kiến tạo 14 lần ở mùa trước và là chân chuyền chủ chốt của đội tuyển Tây Á.

Đó là những cái trên trực tiếp chinh chiến trên sân với những ngôi sao của đội tuyển Việt Nam. Còn trên băng ghế huấn luyện, đối thủ của ông Park Hang-seo lại là người được đánh giá cao hơn về mọi mặt: cựu HLV đội tuyển Hà Lan và Australia, Bert van Marwijk. Có lẽ nhiều người vẫn nhớ chiến tích lọt đến trận Chung kết World Cup 2010 của đội tuyển Da Cam, trước khi họ phải chịu thất bại trước bàn thắng duy nhất của Andres Iniesta bên phía nhà vô địch. Quả thực, không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng khi ấy của Bert van Marwijk đối với nền bóng đá Hà Lan là vô cùng ấn tượng.

Nhà cầm quân này còn giữ được sự bí ẩn nhất định khi mới dẫn dắt UAE đúng 2 trận giao hữu. Trong đó, ông cùng đội bóng của mình giành chiến thắng 2-1 trước kỳ phùng địch thủ Ả Rập Saudi.

Theo lịch của AFC, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp UAE trên sân nhà vào ngày 19/11/2019. Sau đó hơn nửa năm, màn tái đấu sẽ diễn ra trên đất Tây Á vào ngày 9/6/2020.

2/ CÁC ĐỐI THỦ CÒN LẠI CỦA KHU VỰC ASEAN

Những lá thăm may rủi đã đưa ĐT Việt Nam vào bảng đấu có đến 3 đại diện khác của Đông Nam Á. Với tư cách đương kim vô địch AFF Cup, ĐT Việt Nam được đám đông đánh giá rất cao ở bảng đấu này. Thế nhưng, thực tế có thể xảy ra hoàn toàn khác.

Thái Lan là đối thủ xứng tầm nhất của Việt Nam ở loạt trận này. Bầy Voi chiến hiện xếp thứ 116, tụt đi 2 bậc trước thời điểm thi đấu King’s Cup 2019 hồi tháng 6 vừa qua.

Ngồi vào chiếc ghế nóng của đội tuyển Thái Lan thời điểm hiện tại là cựu HLV đội tuyển Nhật Bản, từng thi đấu ở World Cup 2018 là Akira Nishino. Sau khi thất bại thê thảm ở King’s Cup 2019 do mình tự tổ chức, HLV tạm quyền khi ấy của Thái Lan là ông Sirisak Yodyardthai đã đệ đơn từ chức. LĐBĐ nước này liền tìm một cái tên đẳng cấp lấp lại chỗ trống trên băng ghế huấn luyện, và Akira Nishino đã chấp nhận lời mời từ đội bóng xứ Chùa vàng.

Ở lần gặp nhau gần nhất ở cấp độ ĐTQG là trận giao hữu trên đất Buriram, Việt Nam đã giành chiến thắng nghẹt thở 1-0 bằng pha lập công ở tiền đạo Anh Đức ở những giây cuối cùng. Còn trước đó ở chiến dịch vòng loại World Cup 2018, Thái Lan thắng trọn vẹn cả hai lượt trận gặp Việt Nam. Rồng vàng khi đó được dẫn dắt bởi HLV Toshida Miura thua 0-1 trên đất Thái và thất thủ tan tác 0-3 trên sân nhà Mỹ Đình.

Việc rơi vào bảng đấu giống như một AFF Cup thu nhỏ trên thực tế chỉ giúp chúng ta thoải mái trong việc di chuyển. Ngược lại, việc các đối thủ và ĐT Việt Nam đã hiểu nhau quá rõ sẽ gây bất lợi cho cả đôi bên, đặc biệt khi thể thức của vòng loại này là đá vòng tròn hai lượt trên sân nhà và sân khách.

Suất vào vòng loại thứ 3 sẽ dành cho 8 đội đầu bảng và 4 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất, và đó là nhiệm vụ không hề đơn giản. Nói một cách dễ hiểu, ĐT Việt Nam được phép thua cả 2 trận trước đối thủ mạnh nhất là UAE, nhưng chỉ được phép mất điểm 1 trong 6 trận đấu với các đội cùng khu vực Đông Nam Á, khi trước đó ở vòng loại thứ 2 World Cup 2018, Trung Quốc là đội nhì cuối cùng có vé cũng chỉ dành được 17 điểm sau 8 trận.

Đây rõ ràng là thử thách rất lớn, đặc biệt khi ĐT Việt Nam phải làm khách ở các sân vận động khổng lồ của Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Ở bán kết AFF Cup 2018, Việt Nam từng bị Malaysia cầm hòa 2-2 cho dù đã dẫn trước 2-0 ở Bukit Jalil. Ở vòng bảng, thầy trò Park Hang Seo cũng từng bị đối thủ yếu hơn hẳn là Myanmar cầm chân với tỉ số 0-0 khi thi đấu trên sân khách.

Malaysia và Indonesia tuy không có vị thế cao trên BXH FIFA, nhưng nếu chỉ tính riêng trong nội bộ khu vực Đông Nam Á, họ vẫn là những cái tên lớn. Thực tế cho thấy, hai đội bóng này luôn gây vô vàn khó khăn không chỉ với Việt Nam mà còn với kình địch Thái Lan. Ngoài yếu tố lối chơi quen thuộc mà chúng ta đã phần nào bắt bài thời gian gần đây, thì mọi yếu tố ngoài chuyên môn khác như sân bãi, điều kiện thời tiết hay tâm lý thi đấu hứa hẹn cũng sẽ tác động phần nào tới kết quả chung của 4 đội bóng này.

Một yếu tố nữa khiến ĐT Việt Nam sẽ gặp rất nhiều vấn đề ở vòng loại lần này là vị thế của nhà vô địch. Trong phần lớn thời gian với HLV Park Hang Seo, ĐT Việt Nam luôn đá với tâm thế “cửa dưới”, chủ động phòng ngự chặt và chờ đợi cơ hội phản công nhanh. Hiện tại, chúng ta không còn yếu tố đó và các đối thủ cũng đã nhìn thầy trò Park Hang-seo dưới cái nhìn rất khác. Chiến thuật sở trường của HLV người Hàn Quốc vì thế có thể phải thay đổi và chưa chắc hữu dụng.

Vòng loại World Cup với thể thức thi đấu đường trường ngắt quãng sẽ là một thử thách hoàn toàn mới cho Việt Nam. Không còn hiệp phụ hay penalty, lại rơi vào bảng đấu có quá nhiều điều để nói, giải quyết trong 90 phút là lựa chọn duy nhất. Khi đó, nhiều vấn đề khác sẽ nảy sinh và gây đến nhiều bất cập cho đội tuyển của chúng ta.

Thành công mà thầy Park đem lại cho bóng đá Việt Nam vẫn nằm ở các giải đấu tập trung, nơi chúng ta có thể toan tính cho từng trận đấu. Ngay cả vòng loại U23 châu Á 2020, tuyển Việt Nam cũng có lợi thế sân nhà và các trận đấu diễn ra liên tục. Với thể thức hoàn toàn khác của vòng loại World Cup, không ai dám chắc các tuyển thủ có thể giữ phong độ trong gần một năm dài với các đợt tập trung ngắt quãng.

Cuối cùng, tinh thần quyết đấu của các đội bóng cùng khu vực chắc chắn sẽ khiến ĐT Việt Nam gặp khó khăn, đặc biệt là Thái Lan. Sau thời gian dài bết bát, người Thái Lan đang làm tất cả để trở lại và họ cũng không giấu tham vọng vượt qua vòng loại World Cup 2022 giai đoạn 2 châu Á.

>> Keowin – Cập nhật kèo bóng đá mới nhất hiện nay